Vạn An Thạnh tọa lạc tại thôn Triều Dương (Tam Thanh, đảo Phú Quý), được kiến lập năm 1781; tính đến nay đã trên 230 năm tuổi, với chức năng chính thờ thần Nam hải cùng chư vị Tiền hiền đã có công khai mở, kiến tạo xóm làng. Vạn đã được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vạn vẫn đứng uy nghi, sừng sững trước biển cả mênh mông, mang đậm dấu ấn đoàn kết của những lưu dân người Việt từng một thời hướng biển đi tìm sinh kế.
Phong tục này gắn liền với tín ngưỡng thờ Ông Nam Hải của ngư dân. Xưa cũng như nay, ngư dân đảo Phú Quý có niềm tin tuyệt đối vào sự hiển linh của Ông (cá voi), coi đó là vị phúc thần luôn ở bên cạnh chúng tôi trong những chuyến biển đầy hiểm nguy.
Có thể bạn quan tâm:
- Đền thờ công chúa Bàn Tranh – Tình sử của nàng công chúa
- Dinh Mộ Thầy: Địa điểm du lịch tâm linh độc đáo ở Phú Quý
- Hồ cá Lành Dương: Bị bỏ hoang vẫn đông du khách check-in
Mỗi lần có Ông lụy (chết) trôi dạt vào đảo thì nhân dân trong xã cùng đứng ra tổ chức tang lễ, mai táng. Điều này được thể hiện qua các đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng và lệnh cho nhân dân ba làng Mỹ Khê, Hội An và Triều Dương phải cùng nhau hương khói, phụng thờ.
Ông Lụy
Ông hay Ông Nam Hải là tên gọi một cách thành kính mà người đi biển và cư dân vùng biển gọi những con cá voi. Cá voi chết được gọi là Ông lụy và người phát hiện đầu tiên thi thể của Ông sẽ là người đứng chủ tang, chịu tang trong 3 năm như con trai cả trong gia đình.
Cá voi từ lâu được người đi biển xem như phúc thần, vị thần độ mạng. Trong những chuyến ra khơi, trong tâm trí ngư dân luôn nghĩ đến và đặt trọn vẹn niềm tin vào cá voi. Nhiều câu chuyện cá voi cứu người được truyền miệng từ đời này qua đời khác.
Theo tài liệu khoa học, khi biển động cá voi thường lặn xuống sâu để tìm nơi yên tĩnh. Nhưng sâu quá thì không có dưỡng khí để thở nên phải trồi lên. Lên xuống liên tục như thế cá sẽ mất sức và nếu vớ được đáy thuyền của ngư dân đang chao đảo trên mặt nước sẽ là nơi ẩn nấp tránh bão lượn theo sóng để vào bờ.
Do thường gặp những hiện tượng như thế nên ngư dân luôn xem cá voi là ân nhân cứu mạng và tập trung cứu cá voi nếu cá bị mắc cạn hoặc cúng tế linh đình mỗi khi cá chết.
Giải thích tại sao khăn tang trên đầu người chủ tang cá voi màu đỏ, một cụ già ở vạn An Thạnh cho biết, màu đỏ là màu tang của vua chúa và hoàng tộc. Tục truyền cá ông đã nhiều lần được sắc phong của nhà vua như Gia long đã phong tước hiệu “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Thượng đẳng thần”. Các vua triều Nguyễn đã xem cá voi như người của hoàng gia và được phong thần. Vì thế, mỗi khi cá ông gặp nạn tang lễ được cử hành thì chiếc khăn tang trên đầu người chủ tế là khăn màu đỏ.
Vạn An Thạnh – nơi sinh hoạt truyền thống của người Phú Quý
Bên cạnh các hoạt động nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng ngư nghiệp, vạn An Thạnh còn là nơi tổ chức những buổi sinh hoạt quan trọng của làng, xã như: hội họp, đua thuyền, tổ chức hát bội để phục vụ bà con nhân dân.
Mỗi dịp lễ hội, nhân dân về vạn rất đông; trước là dâng nén hương tạ ơn thần Nam Hải, sau gặp gỡ trao đổi việc làm ăn trong năm qua và xem hát bội. “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần tế tự chúng tôi đều đến để phụ giúp công sức và đóng góp chút ít lòng thành của mình để góp phần tôn tạo vạn và cho lễ tế được chu toàn hơn. Năm rồi, nhờ ơn phù hộ che chở của Thần nên ghe nhà tôi làm ăn cũng kiếm được khá”, anh Ngô Văn Kịn (sinh năm 1962) ở thôn Mỹ Khê cho hay.
Từ ngôi vạn đơn sơ, ban đầu chỉ là một bộ khung gỗ lợp tranh vách lá; thì nay, cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, của các tầng lớp nhân dân góp nhiều công sức và tiền của xây dựng nên vạn đã trở nên khang trang, kiên cố, cảnh quan xung quanh thoáng mát, sạch đẹp. Các hạng mục trong Vạn thể hiện được những nét nghệ thuật độc đáo, mang đậm chất văn hóa biển của người Việt ta. Những hình đắp nổi: long phượng, cá mực, hoa lá…; cùng hệ thống hoành phi, liễn đối đã phản ánh sự quy tụ những bàn tay, khối óc tài hoa của cộng đồng cư dân trên đảo trong suốt hàng trăm năm qua, thu hút du khách thập phương mỗi khi đến đảo.
Với những giá trị nêu trên, Vạn An Thạnh từ bao đời qua là “điểm tựa tinh thần” của nhân dân trong xã và của cả huyện nhà. Đây là nơi bảo lưu những giá trị truyền thống, tạo ra những chất kết dính vô hình cố kết cộng đồng để giữ gìn và phát triển biển đảo quê hương.
Bộ xương cá voi ở vạn An Thạnh
“Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ”, câu nói của dân gian truyền miệng cho thấy, mỗi khi cá ông trôi dạt vào vùng nào thì vùng đó được ấm no và tai qua nạn khỏi.
Theo phong tục và cũng là tín ngưỡng dân gian, sau ba năm, khi cá voi đã phân hủy hết phần thịt, bộ xương sẽ được nhập làng và thờ trong vạn. Vạn An Thạnh ở thôn Triều Dương xã Tam Thanh, Phú Quý hiện đang lưu giữ và phụng thờ hơn 70 bộ xương cốt cá voi.
Vạn An Thạnh là nơi lưu giữ và thờ cúng xương cốt cá voi được xây dưng vào năm Tân Sửu – 1781. Lúc bấy giờ chưa có Ông nào “lụy” dạt vào đảo. 60 năm sau, năm 1841 mới có một Ông to lớn trôi vào bờ trên bãi cát trước vạn. Bà con tổ chức an tang chu đáo. Vì là “Ông” đầu tiên nên được gọi là “vị cố” và lấy ngày 15/10 âm lịch – ngày phát hiện vị cố lụy – làm ngày giỗ và lễ tế thu của vạn. Năm 1960 có một “cá ông” lớn khác trôi vào. Xác cá có chiều dài trên 25m. Mai táng xong, 3 năm sau đó ngư dân vùng này được mùa liên tiếp.
Trải qua 3 thế kỷ với nhiều lần trùng tu, vạn vẫn sừng sững với nắng mưa. Vạn An Thạnh được xây dựng trên một diện tích khá rộng. Mặt trước hướng ra biển. Kiến trúc của vạn hiện nay gồm chính điện để thờ “Ông” cùng các tiền hiền, hậu hiền là những người có công xây dựng đảo. Vài năm trước UBND tỉnh Bình Thuận đã đầu tư 8 tỉ để xây dựng một nhà trưng bày xương cá voi và sửa sang trung tu lại vạn.
Chúng tôi vào nhà trưng bày xương cá voi. Một bộ xương cá voi có chiều dài trên 17 mét nằm giữa gian nhà. Ở 4 góc là 4 bộ xương cá heo gồm có : cá heo lươn sóng, cá heo mõm chai, cá ông chuông và loài cá heo thường gặp. Bộ xương cá voi có 50 đốt xương sống. Cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới, hàm trên không có răng. Mỗi chiếc răng dài khoảng 20 cm, to như bắp tay người lớn.
Có thể bạn quan tâm:
- Vịnh Hạ Long – Điểm dừng chân trải nghiệm đáng tiền nhất
- Cát Bà – Điểm đến xịn sò của một mùa hè xanh chính hiệu
Theo nhận định của các nhà khoa học, bộ xương cá voi tại vạn An Thạnh là xương cá nhà táng. Cá nhà táng là loài thú biển, thuộc loại phân bộ cá voi có răng. Đầu cá rất lớn, chiếm 1/3 chiều dài thân. Thân cá dài 20 mét, con đực nặng khoảng 70 tấn, con cái nặng 30 tấn. Trên trán có chứa khí dự trữ. Khoang hàm trên có khối mỡ đệm rất lớn. Hàm dưới dài và hẹp. Hàm trên không có răng. Cá nhà táng đực rất hung dữ, chúng ăn những loài cá lớn, mực, và khi bảo vệ đàn cái và con của chúng, có thể tấn công cả người và tàu thuyền.
Việc trưng bày bộ xương cá voi ở giữa, 4 góc có 4 bộ xương cá heo được người giữ vạn giải thích, tái hiện lai hình ảnh ở dưới biển khi cá voi di chuyển thì chung quanh có cá heo đi theo.
Vạn An Thạnh được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hiện đang được UBND huyện Phú Quý bảo tồn và gìn giữ. Đây cũng là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách khi đến thăm đảo.
Tổng hợp: dulichdaydo.net