Tại sao gọi là chợ nổi Cái Răng bạn có biết không? Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi bậc nhất miền Tây về độ sầm uất trong giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa. Chợ nổi Cái Răng được xem như hình ảnh đại diện cho nét văn hóa sông nước miền Tây đến anh em bạn bè quốc tế. Bài viết này sẽ giải đáp cho bạn câu hỏi Tại sao gọi là chợ nổi Cái Răng?
Đôi nét về chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu – kênh xáng Xà No. Khi mới hình thành, chợ nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông là Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên bờ. Đến thập niên 90 của thế kỉ XX, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền. Hiện tại, chợ nổi nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m với diện tích mặt nước rộng lớn, là bức tranh tổng thể về văn hóa miền Tây, mang dấu ấn đậm nét về văn hóa chợ nổi miền sông nước.
Tại sao gọi là chợ nổi Cái Răng?
Tại sao gọi là chợ nổi Cái Răng? Cái Răng – tên gọi vừa hay vừa lạ là một niềm thích thú cho nhiều người. Từ đó, đã vô tình tạo cho người ta cái tò mò rằng vì sao có tên là Cái Răng, Cái Răng nghĩa là gì và ai là người đã đặt tên cho chợ nổi.
Theo người dân Cần Thơ, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện thời khẩn hoang, lập ấp. Truyền thuyết kể về con cá sấu với thân hình rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Từ đó, khi chợ nổi hình thành, người ta dùng tên Cái Răng để đặt cho chợ nổi.
Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer là “karan”, là “cà ràng” (nghĩa là ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn – An Giang) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi, đặc biệt là khu vực sông nước Cần Thơ. Lâu dần, người Việt phát âm chữ “karan” thành chữ “cà ràng” rồi Cái Răng. Sự phát âm này do thói quen dùng từ theo ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày.
Không giống như bao ngôi chợ trên đất liền, hầu hết các chợ nổi ở miền Tây đều bắt đầu tụ họp khi trời mờ sáng. Tầm 3h sáng, Chợ nổi Cái Răng hiện ra một khung cảnh nhộn nhịp trong màn sương đêm. Một màn sương như một bức tranh sống động của những chiếc tàu, chiếc xuồng chở đầy ấp trái cây, nông sản đổ về tề tựu với nhau.
Đặc biệt làm sao, khi một nơi sông chảy xuôi dòng mà những phương tiện tàu thuyền, xuồng và các bè nổi lại diễn ra cảnh mua bán, trao đổi hết sức náo nhiệt có thể làm cho người ta choáng ngợp khi đến với chợ nổi lần đầu. Không chỉ vậy, cái hay, cái thú vị của Chợ nổi là khi hướng mắt đến bất kỳ nơi nào cũng đều bắt gặp hình ảnh của những hàng quán ăn uống di động. Một sự di động tinh tế, kỳ lạ mà chắc hẳn chỉ chợ nổi mới có.
Chợ nổi Cái Răng còn có một điều vô cùng thú vị mà ai cũng tò mò, chính là sự hiện diện của những cây bẹo. Từ “Cây bẹo” đó, đã dần dần hình thành một đặc sắc riêng tại chợ nổi Cái Răng là 4 “treo”:
Treo gì bán đó: Là người dân treo những loại nông sản hay hàng hóa mình bán lên cây bẹo để mời gọi người mua.
Treo mà không bán: Là những cây sào treo quần áo của người dân. Đời sống chợ nổi đôi khi mất vài ngày sống trên ghe. Họ ăn uống, giặt giũ ngay tại ghe. Từ đó xuất hiện những loại quần áo treo tại đây.
Không treo mà bán: Là những hàng quán di động như cafe, đồ ăn hay món nhậu dành cho người sống trên ghe. Họ sử dụng ghe nhỏ để len lỏi qua hàng trăm ghe thuyền để chào hàng. Khi ấy họ không sử dụng bẹo để mời gọi mà đến tận nơi để bán cho khách hay người dân sinh sống tại đây.
Treo cái này bán cái khác: Là những người sắp “giải nghệ”. Họ không thể nào treo 1 chiếc ghe lên bẹo để bán. Khi ấy họ sẽ treo 1 chiếc lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa lên trên. Để người khác hiểu rằng chủ nhân chiếc ghe đó muốn bán ghe.
Ngày nay, chợ nổi Cái Răng là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa vùng miền với những nét phong tục, tập quán sinh hoạt của miền Tây sông nước và trở thành điểm đến hấp dẫn trong du lịch của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Khi đến chợ nổi Cái Răng, bạn sẽ cảm nhận được dù xu hướng hiện đại hóa đang tác động mạnh lên văn hoá chợ nổi nhưng chợ nổi vẫn giữ được bản chất theo nền tảng ban đầu với nếp sống con người miền sông nước không bao giờ thay đổi. Trên đây chính là đáp án cho câu hỏi tại sao gọi là chợ nổi Cái Răng?