Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, một số địa điểm tham quan, lưu niệm về nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu luôn có đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan như: Nhà lưu niệm và tượng đài anh hùng Võ Thị Sáu (thuộc xã Phước Long Thọ, H.Đất Đỏ); Nhà tưởng niệm và mộ anh hùng Võ Thị Sáu tại H. Côn Đảo…
Vào những ngày cuối tháng 8-2022, chúng tôi có dịp ghé Nhà lưu niệm và tượng đài anh hùng Võ Thị Sáu tại quê hương Đất Đỏ, nơi chị Sáu đã sống những năm tháng niên thiếu cùng gia đình. Thời điểm này, khá đông các đoàn khách đến tham quan, về nguồn tại đây.
Nơi ghi dấu ấn thời niên thiếu sôi nổi
Nhà lưu niệm và tượng đài anh hùng Võ Thị Sáu nằm ở ngã tư Đất Đỏ, thuộc xã Phước Long Thọ. Xung quanh nhà được trồng nhiều cây lêkima, loài hoa gắn liền với người nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ.
Ngôi nhà vách gỗ, mái ngói cổ xưa nơi chị Sáu đã từng sống thời niên thiếu cùng gia đình với các kỷ vật, vật dụng đơn sơ, có bàn thờ tổ tiên như bao gia đình Nam bộ khác. Thân sinh của chị Sáu là ông Võ Văn Hợi, bà Nguyễn Thị Đậu. Chị Sáu là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em.
Riêng bàn thờ chị Sáu ngoài ảnh thờ nhỏ, còn có một bức tượng chị Sáu đang ngồi, cùng một cuốn sổ bằng sứ khắc vài nét chính về tiểu sử của nữ anh hùng.
Theo đó, chị Sáu sinh năm 1933 tại xã Phước Long Thọ, mất năm 1952 tại H.Côn Đảo. Năm 14 tuổi, chị gia nhập Công an xung phong Q.Đất Đỏ (nay là H.Đất Đỏ) và nhận nhiệm vụ diệt ác, trừ gian. Ngày 14-7-1948, chị dũng cảm dùng lựu đạn tấn công tại cuộc mít tinh do địch tổ chức ở chợ Đất Đỏ. Tháng 2-1950, chị dùng lựu đạn diệt các tên ác ôn: Cai tổng Tòng, Cả Suốt, Cả Đay nhưng không may sa vào tay giặc. Địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng không khai thác được gì ở chị. Chị Sáu bị thực dân Pháp bắt giam, kết án tử hình và giam ở khám Chí Hòa, sau đó đưa ra xử bắn tại Côn Đảo ngày 23-1-1952. Khí phách anh hùng của chị Sáu khiến những tên đao phủ phải khâm phục và run sợ, ngay cả khi chị đã hy sinh.
Cách Nhà lưu niệm chị Sáu chừng 100m là công viên tượng đài và đền thờ anh hùng Võ Thị Sáu. Tượng chị Võ Thị Sáu được đúc bằng đồng, cao 7m, tạo theo thế ung dung ra pháp trường, tà áo vẫn tung bay trong gió. Các đoàn khách viếng thăm đều không khỏi bùi ngùi, xúc động trước phong thái hiên ngang, bất khuất, kiên cường của nữ anh hùng.
“Tôi đã học lịch sử, cũng đã xem qua phim ảnh, sách báo viết về chị Võ Thị Sáu, nhưng đứng tại nơi này, xem hình ảnh, đọc các thông tin về cuộc đời chị Võ Thị Sáu, tôi mới cảm nhận một cách rõ lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, kiên trung của người nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ”- chị Đặng Ngọc Anh, hội viên Hội LHPN TP.HCM nói trong xúc động.
Năm 1980, Nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu được UBND H.Đất Đỏ tu bổ lại khang trang. Công viên và đền thờ chị Võ Thị Sáu cũng được trùng tu lại vào tháng 1-2012. Ông Tư, người trực tiếp chăm sóc Nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu cho hay, ông đã làm công việc này hàng chục năm nay nên luôn gìn giữ căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp như chính ngôi nhà của mình để đón du khách gần xa đến tham quan. Vào năm 1995, ông cũng được ra Côn Đảo viếng mộ chị Sáu ngay thời điểm ngôi mộ chị được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn. Ông rất vui vì những nơi ghi dấu ấn, kỷ niệm của chị Sáu vẫn còn được lưu giữ, để các thế hệ mai sau đến tham quan, tìm hiểu, học tập và kế thừa lòng yêu nước của vị nữ anh hùng quê hương Đất Đỏ.
Linh thiêng mộ anh hùng Võ Thị Sáu ở Côn Đảo
Tháng 4-1951, thực dân Pháp đưa chị Võ Thị Sáu ra tòa án binh. Kết thúc phiên tòa, chị Sáu bị kết án tử hình khi chưa đủ tuổi thành niên. Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, nhất là nhân dân Pháp tiến bộ, thực dân Pháp không dám thực hiện án tử hình chị Sáu tại Sài Gòn mà lén lút đưa chị ra Côn Đảo. Chuyến tàu định mệnh đưa chị Võ Thị Sáu cùng 40 tù chính trị đã khởi hành ra Côn Đảo vào sáng 21-1-1952…
Chúa đảo ra lệnh giải chị Võ Thị Sáu về giam biệt lập ở Sở Cò. Đây là nơi làm việc của Cảnh sát tư pháp tại nhà tù Côn Đảo, hoạt động từ năm 1929, do chúa đảo trực tiếp điều hành, với chức năng đàn áp, bắt bớ, giam cầm những tù nhân chính trị tham gia đấu tranh, biểu tình.
Ngày 23-1-1952, thực dân Pháp đưa chị Sáu ra pháp trường xử bắn nhưng chị Sáu vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu, không hề run sợ trước họng súng của kẻ thù. Tại pháp trường, trước khi bị xử bắn, chị Võ Thị Sáu yêu cầu không bịt mắt và hô to: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Tấm gương hy sinh của chị Võ Thị Sáu thể hiện người chiến sĩ công an xung phong sẵn sàng vì nước, vì dân chiến đấu với kẻ thù đến cùng. Sự hy sinh cao cả đó trở thành biểu tượng cao đẹp, cổ vũ tinh thần cho lớp lớp thanh niên cả nước đứng lên chiến đấu trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Hiện nay, Sở Cò (nơi chị Võ Thị Sáu từng bị lưu giữ lại một đêm trước khi bị xử bắn) được UBND H.Côn Đảo trưng dụng làm Phòng trưng bày lưu niệm Nữ anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu. Tại đây đang lưu giữ một số hiện vật hoạt động và tù đày của chị Sáu, cùng một số hình ảnh tại nơi xử bắn chị Sáu vào mùa xuân năm 1952, hình ảnh đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu…
Tại H.Côn Đảo, mộ chị Võ Thị Sáu được đặt tại khu B Nghĩa trang Hàng Dương – một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Côn Đảo, rất đông người đến thăm viếng. Trong khói hương nghi ngút, dòng người thành kính dâng lên nhưng đóa hoa trắng tinh khôi để tưởng nhớ về vị nữ anh hùng kiên trung, bất khuất của dân tộc. Trong dòng người đó, không chỉ có du khách các nơi mà còn có người dân Côn Đảo, nhất là các ngư dân thường đến viếng mộ chị Sáu trước và sau những chuyến ra khơi.
Người dân Côn Đảo tôn kính gọi mộ anh hùng Võ Thị Sáu và coi Cô Sáu như là vị thần phù hộ cho Côn Đảo quanh năm mưa thuận gió hòa; người dân ra khơi đánh bắt cá thuận buồm, xuôi gió.